Phương pháp xác định độ dày danh định TCVN 8220:2009
Lời nói đầu
TCVN 8220:2009 được chuyển đổi từ 14 TCN 92 -1996 theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. TCVN 8220:2009 do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam biên soạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định độ dày danh định của vải địa kỹ thuật dạng dệt, không dệt, dạng phức hợp và các loại màng địa kỹ thuật có bề mặt nhẵn.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu dưới đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với tài liệu ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu, còn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung.
- TCVN 8222:2009, Vải địa kỹ thuật – Quy định chung về lấy mẫu, thử mẫu và xử lý thống kê.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
3.1 Vải địa kỹ thuật (Geotextile): Loại vải sản xuất từ polyme tổng hợp, có chức năng gia cố, phân cách, bảo vệ, lọc và tiêu thoát nước. Vải địa kỹ thuật được sử dụng cùng với đất, đá, bê tông trong xây dựng công trình.
3.2 Màng địa kỹ thuật (Geomembrane): Sản phẩm polyme tổng hợp dạng cuộn hoặc tấm, có hệ số thấm rất thấp, được sử dụng để chống thấm cho công trình.
3.3 Độ dày danh định của vật liệu địa kỹ thuật: Khoảng cách tính bằng milimet giữa hai bề mặt của vật liệu dưới tác dụng của lực ép xác định trong thời gian quy định.
4. Nguyên tắc chung
Độ dày danh định của vật liệu địa kỹ thuật được xác định bởi khoảng cách giữa hai bề mặt của hai đĩa song song trong thiết bị đo khi ép lên một lớp vật liệu với lực ép xác định trong thời gian quy định.
5. Thiết bị, dụng cụ
5.1 Dụng cụ lấy mẫu:
- Khuôn lấy mẫu: hình trụ đường kính 75 mm, chiều vát của lưỡi cắt hướng vào tâm.
- Kích hoặc bàn ép.
5.2 Thiết bị đo độ dày: Thiết bị bao gồm đế phẳng bằng kim loại không rỉ và đĩa ép phẳng, hình tròn trên gắn đồng hồ đo (điện tử hoặc bách phân kế). Đĩa ép có đường kính 56,4 mm, diện tích 2500 mm², khả năng đo độ dày đến 10 mm với độ chính xác 0,01 mm.
5.3 Đồng hồ bấm giây.
6. Lấy mẫu và mẫu thử
6.1 Lấy mẫu: Theo TCVN 8222:2009. Số lượng mẫu thử ít nhất là 10 mẫu.
6.2 Kích thước mẫu thử: Mẫu thử hình tròn đường kính 75 mm, lấy bằng khuôn hoặc compa và kéo sắc.
7. Điều hoà mẫu
Điều hoà mẫu trong điều kiện tiêu chuẩn ở nhiệt độ 21°C ± 2°C và độ ẩm 60% ± 10% trong ít nhất 24 giờ hoặc đến khi khối lượng mẫu không thay đổi quá 0,1%.
8. Cách tiến hành
8.1 Căn chỉnh thiết bị thử:
- Chỉnh thăng bằng thiết bị bằng giọt nước và các núm xoay dưới đế thiết bị.
- Cài tải trọng vào trục đĩa ép để đạt áp lực 2 kPa ± 0,01 kPa cho vải địa kỹ thuật và 20 kPa ± 0,1 kPa cho màng địa kỹ thuật.
8.2 Trình tự tiến hành:
- Chỉnh đồng hồ đo về “0”.
- Đặt mẫu thử lên mặt phẳng đế thiết bị.
- Hạ đĩa ép xuống và bấm đồng hồ.
- Chờ 30 giây, ghi số liệu.
- Lặp lại các bước cho đến khi thử hết số lượng mẫu.
9. Tính toán kết quả
9.1 Tính giá trị độ dày cho từng mẫu:
- Đối với đồng hồ điện tử, số liệu được tự động xử lý.
- Đối với đồng hồ bách phân, tính độ dày theo công thức D = T x n, với T là tổng số vạch đo và n là khoảng cách tương ứng với một vạch.
9.2 Các giá trị tiêu biểu:
- Giá trị trung bình chính xác tới 0,01 mm.
- Độ lệch tiêu chuẩn chính xác tới 0,001 mm.
- Hệ số biến thiên chính xác tới 0,1%.
9.3 Yêu cầu thử thêm:
- Khi hệ số biến thiên vượt quá 20%, cần tăng số mẫu thử để thu được kết quả chính xác hơn.
10. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo phải bao gồm các nội dung sau:
- Viện dẫn tiêu chuẩn.
- Số, ký hiệu thiết bị thử.
- Các giá trị tiêu biểu và kết quả của từng mẫu.
- Thông tin chi tiết về các kết quả dị thường.
- Thông tin về mẫu, điều kiện thử và các kết quả bị loại bỏ.
11. Lưu mẫu
Mẫu lưu có diện tích ít nhất 1 m², điều kiện lưu trữ: nhiệt độ 21°C ± 2°C và độ ẩm 60% ± 10%. Thời gian lưu mẫu tối thiểu là 28 ngày.
12. Phụ lục A
Phụ lục A cung cấp bảng chuyển đổi đơn vị đo chiều dài và áp suất từ hệ Anh-Mỹ sang hệ Quốc tế (SI).
Thư mục tài liệu tham khảo
- ISO 9863: Geotextiles and Geotextile – related products: Determination of thickness at specified pressures.
- ASTM D 5199-01: Standard test Method for Measuring the Nominal Thickness of Geosynthetics.